Dạo gần đây, dân cư mạng được phen ‘’hú vía’’ với chiêu trò lừa đảo bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vô cùng tinh vi và thủ đoạn. Vậy thực hư deepfake là gì? Cách nhận biết hình thức lừa đảo này như thế nào? Và làm gì để tránh bị lừa đảo? Cùng Sforum tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nếu bạn đang tò mò không biết Deepfake là gì và cách phòng tránh nó như thế nào thì hãy tham khảo bài viết ngay sau đây.
Thế nào là Deepfake?
Deepfake là một thuật ngữ được ghép từ cụm từ Deep learning (học sâu rộng) và Fake (giả mạo). Đây chính xác là một phương pháp tạo ra nội dung giả mạo một cách tinh vi bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra hình ảnh, video chân thực như người thật. Chính vì sự chân thật đáng kinh ngạc này đã khiến nhiều người lầm tưởng và khó phân biệt điểm khác nhau so với thực tế.
Làm thế nào để nhận biết chiêu trò lừa đảo qua Deepfake?
Với sự phát triển của mạng lưới công nghệ trên toàn cầu, các ứng dụng cung cấp nội dung hình ảnh, tin nhắn, video, v.v… như Messenger, Zalo, v.v… dần trở thành công cụ liên lạc chính của con người. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là vô tình trở thành ‘’mảnh đất màu mỡ’’ cho những thủ đoạn lừa đảo Deepfake khiến nhiều người lao đao và hoang mang. Sau đây là một số dấu hiệu để nhận biết chiêu trò lừa đảo qua Deepfake:
- Đầu tiên là chất lượng hình ảnh kém, không đồng đều: Đây cũng chính là lỗi lớn nhất của Deepfake khi đã thiếu sót trong việc ghép mặt và mắc các lỗi về chất lượng hiển thị hình ảnh như nhòe, mờ hoặc mất tự nhiên. Nếu bạn nhận được một video hay video call mà có chất lượng kém như thế này thì có thể đây là dấu hiệu bạn đang gặp phải Deepfake.
- Thứ hai, đường viền hoặc các hiệu ứng xung quanh người trong video không tự nhiên.#
- Thứ ba, không có sự đồng bộ, thống nhất giữa tiếng nói và khẩu hình miệng. Bạn hãy chú ý đến chi tiết này bởi nếu không có sự đồng nhất về khuôn mặt, da, khung xương hay đặc điểm trên khuôn mặt như nốt ruồi, vết sẹo, v.v… thì có thể đó là deepfake.
- Thứ tư, cử chỉ và biểu cảm không tự nhiên. Deepfake không thể thể hiện đầy đủ những cử chỉ và biểu cảm chân thật của con người. Vì thế, nếu bạn gặp một video có cử chỉ, biểu cảm không tự nhiên thì đây cũng là dấu hiệu của Deepfake.
- Cuối cùng là thời lượng bị giới hạn. Bạn nên chú ý đến thời lượng của cuộc gọi vì video Deepfake thường có giới hạn về độ dài nên sẽ rất ngắn.
Các phòng tránh lừa đảo qua Deepfake hiệu quả
Để tránh trở thành ‘’con mồi’’ béo bở của Deepfake, bạn cần ghi nhớ một số cách phòng tránh lừa đảo qua Deepfake ngay sau đây:
- Bạn cần kiểm tra nguồn gốc của video trước khi xem và tiếp nhận nội dung của video ấy. Cụ thể, bạn cần xác minh tài khoản, kênh hoặc website chia sẻ video đó để đảm bảo tính chân thật.
- Phân tích chất lượng hình ảnh, tính thống nhất giữa tiếng nói phát ra và khẩu hình miệng cũng như cử chỉ, biểu cảm của nhân vật trong video. Tránh xem những video có biểu cảm không tự nhiên, lệch lạc.
- Không được tùy ý công khai thông tin cá nhân lên mạng xã hội như thông tin về địa chỉ, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, v.v… vì những thông tin này có thể bị đánh cắp để tạo deepfake.
- Đảm bảo việc cài đặt bảo mật mạnh hoặc bật chế độ xác thực hai yếu tố trên các tài khoản mạng xã hội để kiểm soát quyền riêng tư và tính bảo mật của tài khoản.
- Mạnh dạn báo cáo/report những nội dung có dấu hiệu đáng nghi trên mạng xã hội để có thể cơ quan chức năng xử lý triệt để.
Lời kết
Deepfake ngày càng tinh vi và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều bạn cần làm là nắm chắc những dấu hiệu nhận biết cũng như cách phòng tránh lừa đảo qua Deepfake để không trở thành nạn nhân tiếp theo của chiêu trò này nhé! Hy vọng bài viết vừa rồi sẽ là nguồn tham khảo uy tín của bạn.
- Xem thêm: Thủ thuật iOS, Thủ thuật Android